Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012


Đơn ka trong toa let


Cái gì ám ảnh lũ sinh viên dễ nuôi khó bảo nhất? Không phải thi rớt đâu nhé (sẽ được thi lại tới 2 lần). Không phải mất học bổng (học bổng là chuyện… nhỏ, nhận học bổng Mỹ còn phải làm thêm mới đủ sống kìa). Cũng không phải thất tình (thất tình là chuyện vớ vẩn, gã sinh viên nào có nhiều thì cũng chỉ thất tình độ dăm lần chớ mấy, có gì đâu mà ầm ĩ)... Cái đói mới là cái ám ảnh nhất.
Nó - cái đói, bám riết những cái dạ dày lép kẹp mỗi ngày. Sáng. Trưa. Chiều. Tối. Nó nhắc nhở sự hiện diện của nó mỗi khi ngũ quan phát hiện ra vật thể lạ, mùi hương lạ... Tớ tin rằng, tuy bây giờ ít thiếu thốn hơn, nhưng chả gã sinh viên thứ thiệt nào dám nói rằng đó không phải là một nỗi ám ảnh.
Thế nên, hễ nghía thấy có thứ gì có thể oánh chén được là bọn chúng tôi hùa nhau lôi ra xử lý cơ, xử lý nhiệt… thậm chí còn ăn tươi nuốt sống, nhai rau ráu ngay tắp lự. Ở Đà Lạt, trời lạnh nên chúng tôi hồi ấy, phàm ăn xin lỗi là như… lợn. Thiệt là dzui khi có cái gì đó để đun đun nấu nấu, để canh chừng kẻo không bọn khác rinh mất. Bang hội nào có việc cần nổi lửa là bọn bang chúng mặt mũi cứ vênh lên như thể chuẩn bị được Ban Giám hiệu mới ăn yến. Cái sự sung túc và ấm áp ấy dẫn tới một hệ lụy hết sức đau lòng (ban quản lí KTX) là hễ có gì để đun, để nấu là vạt giường, chân ghế, chân bàn, nan cửa sổ… bị biến thành chất đốt cấp thời. Từ cái chuyện này dẫn tới một chuyện khác mà ngẫm lại đôi khi vừa cười vừa ngậm ngùi (ít thôi, he he he)...
Mỗi bang hội, mỗi dãy nhà, mỗi khoa… lại có những chiêu thức, bang quy, khoa quy riêng. Sau khi bị ịch lại mất một năm, từ dãy nhà B2 - chỗ cư ngụ của đám năm 1 năm 2, tớ sang tá túc - nói phức ra là ở cọp, ở chui bên B5 - nơi an trí các lão ca năm cuối trong đó có cả năm thứ… 5, năm thứ… 6. Khi tớ lò dò sang chào các quan anh ở B5.8 - KTX Đại học Đà Lạt để làm thủ tục xin ở ké, đại ca Lin (hỗn danh là Đỗ Trung Lin, giờ làm ở Cục Thuế tỉnh Phú Yên) hỏi rất nghiêm túc:
- Này chú, chú biết hát không?
- Không. Em rống thì to chứ hát thì chịu.
Đại ca trầm ngâm: trong đó thì không thể rống mãi được… Tập hát đi… tập hát đi. - Nói đoạn, anh lững thững bỏ đi, để lửng câu chuyện cứ như là một thiền sư vừa đưa ra một "công án" vậy. Tớ ngơ ngác một hồi không hiểu ở trong đó là ở trong đâu? Tại sao lại phải hát… Ôi mẹ kiếp, nếu có oánh chén thì ta cử hành nhậu ca, hành khúc KTX chứ ai lại hát tình ca như cái đám vắt mũi chưa sạch năm nhất? Chả nhẽ ở B5 các đại ca thường xuyên tổ chức maratong hay festival giọng ca vàng giải muộn ư? Ly kì dữ hé?
Nhưng rồi tớ kệ cha nó cái chuyện đàn ca hát xướng vớ vẩn ấy. Quên béng. Hì hụi khiêng rương kê ở góc nhà, đoạn tôi tót lên giường nằm rung đùi… sờ cằm… nhổ râu và chờ đến giờ ăn (chứ còn biết làm gì nữa bi giờ, sinh viên hệ ịch mà). Ôi chao, nhưng đến trưa, thì tôi hiểu cái "công án" mà đại ca Lin đã để lửng lơ ấy là gì.
Chả là, khi đó tất tần tật các cánh cửa ở nhà vệ sinh khu nam B5 đều đã mất tiêu, nên hễ "có việc" thì người ngồi bên trong phải cảnh báo cho kẻ khác biết bằng cách… hát. Thứ công phu này mới quá, ảo diệu quá nên tui chịu thua, ôm “tâm sự” phóngcái rẹt về phòng (chớ nếu không đứa khác nó chiếm chỗ) tìm một tờ báo cũ thiệt to để vừa ngồi đọc tạm, vừa… che.
Khổ nỗi, chuyện vào toa lét phải đơn ca là thông lệ quốc tế nên khi không nghe thấy tín hiệu "có người", một lão ca khác đã xăm xăm thẳng tiến. Thấy có tờ báo đột nhiên án ngữ, lão ca ấy điên tiết vừa quát lớn, vừa cười:
- Thằng điên nào trong đó. Làm cái khỉ gì thế hả. Không… đơn ca thì sẵn tờ báo trong tay phải đọc to lên chứ… Ha ha ha. Lính mới hẻ?
Sau cái vố ấy tôi còn nghe được một chuyện, hồi còn cánh cửa - nhưng mất cái then cài, đại ca Lin có thói quen hết sức lịch sự, hễ nghe gõ cửa là đại ca lại dõng dạc đáp lời - Mời vào! Bố khỉ, lời mời rất chi tao nhã này khiến có vài kẻ vì phì cười mà vãi... cả ra quần (chuyện thật, đã được kiểm chứng). Thật ra cũng có một vài lão ca siêng lắm, kiếm đâu đó ra sợi dây, một đầu buộc vào cửa, đầu kia thì thủ chặt trong tay. Khổ nỗi, sau lần lão ca … (thôi, không nói tên đâu, cứ gọi là X vì lão ca này nay làm quan to lắm, nói ra nó ảnh hưởng đến thể diện người nhà nước) bị một kẻ đang trốn Tào Tháo rượt, giật một phát, văng luôn ra khỏi toa let, từ đó cóc ai dám cầm sợi dây oan nghiệt ấy nữa. Hoặc một "nhà thơ" nọ, anh không hát, không đọc báo, mà toàn đọc thơ của mình ứng tác (thơ anh này nay đã in thành một tập, rất oách)…
Ngồi trong toa lét thốt nhiên tôi đốn ngộ một điều… Chả là dạo trước tôi không hiểu cớ làm sao mà các lão ca B5 yêu đời tha thiết, lúc đói cũng như khi no đều ca hát véo von cả ngày, mà lại toàn là nhạc hành khúc mới chết chứ. À há, hóa ra là... thế đó… thế đó, còn nhạc hành khúc đại thể là như trợ lực ấy mà. Nghe có kinh không?
Tôi minh hẳn ra.
 Bài viết của Trần Bá Phùng (văn K12) do Thống đăng tải

4 nhận xét:

  1. ve ry gút, ai lai kịt! thanh ciu!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rat hay, dai ca PHUNG vi loi lam gi ma ich mat 01 nam the, bay gio DC lam o BAO BINH DINH a, hoi Cong tac BD co TAN dan di tam bien. CHUAN

      Xóa
  2. Bài viết rất hay, mang đậm phong cách Trần Bá Phùng: Hào hứng và dí dỏm. Dân pro có khác, lôi cuốn người ta đọc một mạch từ đầu đến cuối. "Mua vui cũng được một vài trống canh". Cám ơn nhiều.
    Kiệt.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mới 2 tuần không vào lại trang của lớp hóa k12 từ ngày đầu chưa thấy ai, hôm nay đã có nhiều bạn tham gia, và gởi bài nhắc lại những kỷ niệm xưa thời ĐH thật là vui. Bài viết của Phùng rất dí dỏm. ^-^ Thks bạn vì bạn là Văn 12 không phải dân Hóa 12, nhưng cũng tham gia thật nhiệt tình. Mong rằng chúng ta duy trì tiếp tục liên lạc qua trang này. Và hẹn 1 ngày sẽ gặp được tất cả mọi người để gợi lại những kỷ niệm xưa nhé.
      S.K.Huy

      Xóa