Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Thu Nhật Bản

Trên đây là những tác phẩm mùa thu Nhật bản quý báu mà DH đã tạo nên. Các bạn xem, hình đẹp và đầy nghệ thuật phải không. DH có thể về DL chụp hình nghệ thuật, cạnh tranh với Phước khùng được rồi đó. DH nhờ TA post hình lên, nhưng mình đang rảnh nên tài lanh phổng tay trên để tranh công. Các bạn cứ từ từ mà thưởng thức nha.
NLTK

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Cô em cảnh sát dễ thương

Tối nay, không hiểu sao không ngủ được. Có chút chuyện vui, ngồi dậy mở máy kể các bạn nghe chơi.
Hôm qua là ngày Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) của Mỹ, mình đóng tiệm, nghỉ lễ, đến nhà bạn chơi. Vì nhà bạn hơi xa, đến một giờ chạy xe, nên mình chạy khá nhanh. Đang ngon trớn thì bỗng thấy xe cảnh sát chạy theo sau.
- Thôi rồi! Mình chạy nhanh quá, bị phạt rồi.
Mình nghĩ thầm và tấp xe vào lề đường, ngồi chờ.
Theo thông lệ, xe cảnh sát cũng tấp vào, và đậu sau xe mình khoảng 10m. Một lúc sau, cô cảnh sát bước ra xe, tiến về phía mình, với nụ cười tươi trên môi. Mình có thể thấy qua kiếng chiếu hậu.
-Cô cảnh sát này gian ác thật. Đã chặn xe mình mà còn cười nữa - Mình tự nhũ và hạ kiếng xe xuống.
-Good morning, sir. How you're doing?- Cô ta chào hỏi.
-I'm doing fine. Thanks.
-You know why I'm pulling you over? ( Ông biết tại sao tôi chặn ông lại không?)
-I know, a little too fast. Sorry. (Tôi biết, tôi chạy hơi nhanh. Xin lỗi)
-You're doing 65/55. (Ông chạy 65 mile trong khi tốc độ tối đa cho phép là 55)
-My apologies. (Xin lỗi)
-Can I have your driver's license, insurance card, and registration, please. (Làm ơn cho tôi xem bằng lái xe, thẻ bảo hiểm và giấy đăng ký xe)
Mình lấy các thứ giấy tờ cần thiết đưa cho cô ta.
-Thank you. I'll be back. (Cám ơn. Tôi sẽ trở lại.)- Cô ta nói và mang giấy tờ về xe.
Sau một lúc, cô ta trở lại chổ mình, với nụ cười. Lại cười.
-OK, I give you a warning this time. No charge against you. (Cảnh cáo ông lần này thôi, không có phạt.)
-Oh, thank you.
-Please drive safely. Happy Thanksgiving.
-Thanks. You do the same.
Haha. Hên thật. Bị cảnh sát chặn mà không bị phạt. Bị phạt thì cũng không sao, nhưng mình không thích vết đen trong hồ sơ lái xe. Đó mới là điều quan trọng. Cô em cảnh sát này dễ thương quá, đã không phạt lại còn dặn dò mình chạy xe an toàn. Chúc mình happy nữa chứ. Đời sao đẹp thế.
Còn nữa, xe mình đứng tên bà xã, mà không bị phạt cái dzụ chính chủ. Hehe.
Chúc các bạn cuối tuần thật vui.
NLTK.

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Lại thêm một "tối kiến " rùng rợn ........

                                                                         Trần Đăng Khoa
 Đó là cái “sáng kiến” đề xuất quy định: Người tham gia giao thông phải đi xe chính chủ. "Đối với xe lưu thông trên đường, nếu Cảnh sát giao thông kiểm tra, phát hiện không làm thủ tục sang tên đổi chủ, sẽ ra quyết định xử phạt người điều khiển. Đối với phương tiện ô tô, tiền xử phạt từ 10-15 triệu đồng. Xe máy 1 triệu đồng. Còn với người đi xe của bạn bè, người thân đều phải chứng minh được chủ phương tiện là ai, như cần có sổ hộ khẩu, giấy chứng minh hoặc giấy khai sinh".
Lại thêm một “sáng kiến” thành “tối kiến” rùng rợn. Bởi không có tính khả thi. Ở Việt Nam, công chức đi làm chủ yếu bằng xe máy. Đa phần xe mua đi, đổi lại. Nhiều xe nhặt từ bãi rác ở Nhật Bản từ những năm 80, giờ vẫn còn lưu hành. Đối với không ít gia đình, chiếc xe rác ấy vẫn là một “tài sản” lớn. Có xe qua bao đời chủ. Người bán xe cũng không phải chính chủ. Thế thì làm sao đủ điều kiện “sang tên đổi chủ” để có xe chính chủ. Vì vậy, nhiều người dân đã lên tiếng phản đối rất quyết liệt trên các phương tiện truyền thông, từ báo giấy, báo mạng, trang Blog cá nhân, đến cả các quán cóc vỉa hè. Một đề xuất quy định không hợp lòng dân, gây nhiễu loạn đời sống xã hội, nhất là trong tình hình hiện nay, khi kinh tế khó khăn, nạn tham nhũng hoành hành, lòng dân ly tán, niềm tin bị sụt giảm nghiêm trọng. Nhìn ở góc độ nào cũng không có lợi, cả về chính trị lẫn thực tiễn đời sống.
Còn nhớ những “sáng kiến” của các cơ quan tham mưu trước đây. Cũng toàn là những “tối kiến” rùng rợn như thế. Ví như: Cấm xe địa phương vào Hà Nội. Xe số chẵn đi ngày chẵn. Xe số lẻ đi ngày lẻ. Xe tắc xi phải bốn người mới được khởi hành. Rồi thay đổi giờ học, giờ làm, làm đảo lộn cả đời sống. Rồi khôi phục lại loại hình xe Tuk tuk, xe Lamboro, vốn là phương tiện đã bị loại bỏ vì ảnh hưởng môi trường. …
Thật kinh dị.
Bây giờ lại chuyện đề xuất quy định phạt nặng những người tham gia giao thông, đi xe không chính chủ. Đây là một quy định thoạt nhìn bề ngoài có vẻ rất đúng đắn, khoa học, nhưng lại không có khả năng thực thi, nhất là trong đời sống thực tiễn ở nước ta hiện nay. Có cảm giác người đề xuất chính sách ở trên chín tầng mây nên hoàn toàn không hiểu thực tiễn cần lao của người dân sống lầm lụi dưới mặt đất. Một chính sách không hợp lòng dân, lại viển vông, không thể thực hiện được thì có nên đưa ra không?
Cần hạn chế tối đa những chính sách đã ban bố rồi mà phải dừng lại, hoãn thời gian thực thi. Bởi nó hé lộ một sự tùy tiện, cẩu thả. Pháp luật không nghiêm. Người dân sẽ không còn tin vào sự dẫn dắt, điều hành của chúng ta nữa. Mất niềm tin là mất hết. Đấy mới là thiệt hại lớn nhất, một hiểm họa mà chúng ta không thể lường hết được hậu quả.
Không ai phản đối việc sang tên đổi chủ các phương tiện giao thông. Tôi đồng ý với Viện trưởng Nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo khi ông cho rằng, “Quy định pháp luật là phương tiện phải đăng ký chính chủ. Trước đây chúng ta buông lỏng quản lý nên bây giờ cần phải chấn chỉnh lại”. Ở nước ngoài, khi phương tiện giao thông chỉ đậu sai chỗ quy định, cảnh sát không cần phải gặp chủ xe mà chỉ dán giấy phạt vào cửa kính xe là chủ xe tự đến ngân hàng nộp phạt. Họ làm được vậy vì xe chính chủ. Ở nước ta, xe mua bán vòng vèo, thường qua nhiều đời chủ nên không áp dụng biện pháp này được. Nghị định 71 là đúng, chủ trương đã có từ lâu, nhưng ta không làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, để mọi người dân có nhận thức đúng. Cũng không có lộ trình cụ thể để thực thi. Cũng theo ông Thảo, các văn bản của chúng ta thường chồng chéo, không nhất quán, ngay trong “nghị định 71 cũng có quy định mâu thuẫn với văn bản khác. Chính phủ có nghị định cho phép người dân được hợp đồng ủy quyền, hai người mua bán xe chỉ cần ra phòng công chứng, quy định này vẫn đang có hiệu lực. Bây giờ nghị định 71 lại cho rằng hành vi như vậy là vi phạm, sẽ bị phạt từ 6 đến 10 triệu đồng”.
Có lẽ chưa có quy định nào vừa ban hành đã bị người dân phản đối dữ dội như cái quy định phải đi xe chính chủ. Nói như ông Nguyễn Văn Huỳnh, hiện nay với điều kiện kinh tế khó khăn cho những người làm công ăn lương, để kiếm được một chiếc xe cũ đã là rất khó, ấy là chưa kể trong nhà lại có nhiều người, việc đi lại phải mượn xe của nhau. Chả lẽ bố không được đi xe của con. Con không được dùng xe của mẹ ư?. Không lẽ nhà có 4 người thì phải có đủ cả 4 chiếc xe, rồi ra đường lại phải mang theo đày đủ giấy tờ, hộ khẩu. Mà làm sao có được 4 sổ Hộ khẩu chia cho 4 người mang theo làm Giấy Thông hành? Chả lẽ người đã cho mượn xe lại còn phải cho mượn cả giấy tờ, hộ khẩu rồi lại còn phải viết cả giấy ủy nhiệm cho mượn ư? Mức phạt đến 1.000.000 đồng một lần đối với người mượn xe là quá tệ hại, nhất là ở thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, khi đồng lương của một viên chức không đủ sống, giá cả leo thang từng ngày. Nhà nước còn khất đến Tháng 7 năm sau mới tăng thêm 100.000 đồng bù vào lương. Thế thì người dân biết xoay đâu ra nổi 1000.000 đồng cho mỗi lần nộp phạt? Đưa ra quy những định như thế, chỉ “đục nước béo cò”. Rồi những anh Cảnh sát biến chất sẽ lại càng có cơ hội thổi còi kiểm tra để kiếm trác. Tiêu cực lại chồng tiêu cực.
Chị Giáng Son cho rằng, trong điều kiện suy thoái kinh tế như hiện nay, việc đưa ra quy định ấy là không phù hợp. Ba mẹ có một chiếc xe nhường cho con đi học xa. Làm sao cháu có xe chính chủ? “Các bác thử có con mà không có tiền, phải đầu tắt mặt tối kiếm sống như người dân chúng tôi đi rồi hãy ra luật. Con các bác đi học bằng xe hơi có người đưa đón, ở trường Quốc Tế, mỗi tháng chi mấy chục triệu đồng, còn chúng tôi cơm không có ăn, áo không đủ mặc, muốn cho con đi học, bố mẹ phải bóp mồm bóp miệng, tằn tiện nhặt nhạnh từng đồng, thì lấy đâu ra tiền nộp phạt”.
Bà Thu Lệ không giấu nổi sự bực dọc: “Trong gia đình tôi có người thân vừa mất, để lại chiếc xe AB. Vậy bây giờ người trong nhà sử dụng xe, mỗi khi bị Cảnh sát hỏi đến, lại phải mua vé tàu ngầm cho ông ấy đi từ âm phủ lên ư? Hay lôi ông ấy đội mồ đứng dậy để cùng tôi giải trình à? Sáng kiến mới đưa ra là để đổi mới đất nước, mang lại ấm no cho dân chứ sao lại làm khổ, làm nhục người dân?”
Tôi không thể điểm hết được những tiếng nói thẳng thắn bộc trực của người dân trước một việc làm còn rất nhiều bất cập. Chủ trương đúng nhưng cách làm của chúng ta vừa rồi là chưa phù hợp. Với cách làm không khéo, không xuất phát từ thực tiễn đời sống, không vì dân, lấy dân làm gốc, thì ngay cả một chủ trương chính sách đúng đắn cũng có thể bị nghi ngờ.
Việc lưu hành xe chính chủ và chỉ cho phép xe chính chủ lưu hành là cần thiết, để các cơ quan chức năng dễ dàng kiểm soát và giải quyết nhanh những vụ án hay những vi phạm tai nạn giao thông, nhất là trong tình trạng giao thông hỗn loạn như ở ta hiện nay. Để làm được điều này, thủ tục cần đơn giản, thông thoáng, không rườm rà bằng nhiều loại giấy tờ công chứng nhiêu khê. Đặc biệt, người mua lại xe cũ, khi sang tên, không phải đóng thuế, mà chỉ nộp một khoản tiền dịch vụ rất nhỏ mang tính tượng trưng. Mỗi xe chỉ đóng thuế một lần khi mua xe mới trong lần đăng ký thứ nhất. Không lẽ một cái xe, mà là xe cà tàng, lại phải chịu đến mấy lần thuế? Mà lấy tiêu chí đâu để định mức thuế? Người bán, người mua có thể thông đồng hạ mức giá để trốn thuế. Làm sao các cơ quan chức năng có thể kiểm soát được? Và lại, khách hàng đã phải dùng xe cũ là những người nghèo khổ. Không thể tăng ngân sách nhà nước bằng cách bóp nặn đồng tiền còm cõi của những người đã ở đáy xã hội.
Chỉ cần chúng ta tiết kiệm những khoản chi tiêu hoang phí, thu lại hàng ngàn ngàn tỷ đồng thất thoát, tịch biên tài sản của những kẻ tham nhũng mà báo chí đã nêu, cũng đã đủ tăng mấy lần lương cho cán bộ công nhân viên chức, xây dựng những công trình lớn có ý nghĩa thiết thực và giúp người dân xóa đói giảm nghèo rồi.
Tôi tin toàn dân sẽ ủng hộ chính sách xe chính chủ, nếu các thủ tục sang tên đổi chủ thông thoáng, không phiền hà bằng quá nhiều quy định nhiêu khê như đã từng xảy ra. Ai bỏ tiền ra mua xe cũng muốn được sử dụng chiếc xe của chính mình, chứ không muốn đi chiếc xe của mình nhưng lại mang tên người khác như xe đi mượn.
Để kết thúc lời bàn chẳng có gì mới về một vấn đề cũng không còn mới nữa này, tôi muốn nhắc lại ý kiến của một công dân, anh Nguyễn Việt: “Là một công nhân viên chức nhà nước, cũng như bao người khác, tôi thiết nghĩ để thực thi một việc gì, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan chức năng cũng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi quyết định, để không ảnh hưởng đến đời sống của dân mà vẫn đảm bảo thực thi được các chế tài của nhà nước. Bởi tất cả sự đổi mới cũng chỉ hướng tới một mục tiêu cao cả, đó là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh. Đáng sợ nhất là các chính sách vừa mới đưa ra đã trở thành lạc hậu, gây xáo trộn mất ổn định xã hội. Từ đó nảy sinh nhiều hệ lụy mà hậu quả lại rất khó lường…” 
                                            Nguồn:http://laokhoa.blogtiengviet.net

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Nhân ngày nhà giáo Việt Nam xin chúc tất cả các thầy cô giáo trên mọi miền đất nước sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Riêng chúc D.Hà luôn vui vẻ tràn ngập niềm tin trong cuộc sống, ngày nào cũng luôn gặp may mắn, và thành công trên con đường dạy học của mình. 

Nhân ngày20-11, mình chép tặng các bạn bài thơ

NHỚ VỀ CÔ GIÁO DẠY VĂN

Có thể bây giờ cô đã quên em
Học trò quá nhiều, làm sao cô nhớ hết
Xa trường rồi, em cũng đi biền biệt
Vẫn nhớ lời tự nhủ: sẽ về thăm.

Có thể bây giờ chiếc lá bàng non
Của ngày em đi đã úa màu nâu thẫm
Ai sẽ nhặt dùm em xác lá
Như em thuở nào ép lá giữa trang thơ ?

Ước gì... Hiện tại chỉ là mơ
Cho em được trở về chốn ấy
Giữa bạn bè nối vòng tay thân ái
Được vui-buồn-cười-khóc hồn nhiên

Em nhớ hoài tiết học đầu tiên
Lời cô dạy: "Văn học là nhân học"
Và chẳng ai học xong bài học làm người!
Chúng em nhìn nhau khúc khích tiếng cười
Len lén chuyền tay gói me dầm cuối lớp

Rồi giờ đây theo dòng đời xuôi ngược
Vị chua cay thuở nào cứ thấm đẫm bờ môi
Những lúc buồn em nhớ quá - Cô ơi!
Bài học cũ chẳng bao giờ xưa cũ...


Sưu tầm
huongvv

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Sự tích lẫu hài cốt Mỹ

Ngày xửa ngày xưa … quãng năm 1989-1990, một ngày đẹp giời, bên hông cửa hàng dược Đa Thiện đột nhiên mọc lên một cái quán nhậu be bé xinh xinh. Quán bình dân thôi, chủ yếu phục vụ cánh xe ngựa, mấy bác nông phu làm vườn chiều chiều muốn giải mỏi vài xị. Quán mới dựng, mùi gỗ ngo thơm lừng, quán nhỏ nhưng ấm cúng và sạch sẽ. Đặc biệt sau lưng quán còn có một CLB bida đủ sức làm tiền đề cho những cuộc rượu thêm phần… ác liệt do những cơ thủ khích bác nhau trình độ bida (đoạn này ta thêm mắm thêm muối đó).
Ngay trong buổi chiều khai trương bọn hào sĩ sinh viên đã phát hiện ra chi tiết, bà chủ quán rất hiền, thương sinh viên, hàng bán rất rẻ và rượu tuy là rượu Dalat nhưng uống được. Ta nhớ không chính xác lắm nhưng ngày xưa, một đĩa mồi hạng bét ở đó cũng đủ cho 4 thằng sinh viên ngồi cưa cẩm cả đêm, mà giá thì chỉ bằng 4 tách cà phê đen cộng với một cơ số thuốc lá đủ để uống xong cà phê và nghe nhạc. Nhưng không lẽ chỉ kêu một đĩa mồi rồi thôi, nếu cộng vào đó mấy xị rượu và gói Dalat (một thứ thuốc sợi đen, giờ đã tuyệt tích giang hồ) sẽ khiến bọn ta phải cân nhắc - nên uống rượu hay uống cà phê.
Những ngày có học bổng, hoặc có siêu thư – tức là giấy nhận tiền nhà gởi lên, hoặc bất cứ lúc nào xủng xoảng vài đồng lại đang… tâm trạng là có thể ghé qua… cửa hàng dược. Ngày xửa ngày xưa ta uống cũng được, hay nói chuyện tào lao tào đế để cuộc rượu có thêm ba phần thú vị, ta còn thuộc đủ thứ linh tinh trên đời đủ để làm trọng tài phân xử những cuộc tranh lựng bất tận. Vì lẽ đó ta cũng thường được mời đi uống rượu. Và khi ta mời thì cuộc rượu cũng thập phần náo nhiệt bởi ta được mời cũng kha khá nhiều mà.
Một ngày đẹp giời, bạn ta, nhà thơ Nguyễn Ánh Tuấn phát hiện có một món còn rẻ hơn nộm rau - ấy là gân bò (bò hay là ngựa thì có trời mới biết). Món phụ phẩm mạt hạng này có lẽ chỉ còn mấy ông sinh viên mới ngó ngàng đến. Tuấn ta khẽ khàng chỉ cho bà chủ quán cách thức chế biến sao cho mồi nhẹm rượu kèm theo đó hắn thuyết phục bà chủ bổ sung món này vào danh mục thực đơn của quán bằng tương lai rạng rỡ của nó. Chẳng biết hắn nói những gì nữa nhưng đoạn kết luận thì hắn rất chi là hùng biện: Món lẩu hài cốt Mỹ này sẽ là món số dzách của quán nhậu 5 sao, ăn đứt quán của hoa hậu Lê ở đầu đường Phù Đổng Thiên Vương, danh tiếng lẫy lừng nhất Đa Thiện cho coi! Quả tình khi đó chuyện xuất cảnh bằng xương Mỹ đang um xùm, cộng vào đó là chương trình ra đi có trật tự - ODP, đoàn tụ gia đình - HO đang lên nên cái tên hài cốt Mỹ nghe cũng lấp lánh đầy vẻ… thời sự xã hội.
Chẳng biết bị Tuấn thuyết phục do tương lai huy hoàng của món lẩu này hay do cái tên rất ư là thời sự mà bà chủ quán đồng ý bổ sung món. Chính Tuấn kẻ lại bảng thực đơn mới cho quán, hắn vốn đã từng học qua khoa Mỹ thuật ứng dụng của trường Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp Đồng Nai mà. Bảng thực đơn rất đẹp. Và thật bất ngờ món lẫu hài cốt Mỹ với thành phần chính là gân bò dai như đế giày, nhai đến trẹo quai hàm lại được hưởng ứng nhiệt liệt. Nghe bọn sinh viên đấu láo với nhau, các bác nông phu, cánh đánh xe ngựa cũng gọi thử và dùng những câu chuyện của bọn sinh viên làm gia vị. Khổ nỗi cái món này tốn rất nhiều củi lửa để hầm cho nhừ nên Tuấn lại phải chỉ chỏ thêm cách thức hầm sao cho mau nhừ (tức là đến độ đủ dùng thôi chứ nhừ ra như thịt thì còn gì là hài cốt). Hồi đó chưa có hóa chất Tàu nên chắc không bị ô nhiễm như thứ phụ gia nước tương độc hại mà báo chí đang làm um xùm lên, cái gì mà là MP3… MP4 đó các bạn. Sau món lẫu trứ danh ấy, Tuấn còn bày cho bà chủ làm món trộn với thành phần chính cũng là hài cốt Mỹ với vô số rau.
Sau này trong một lần la đà Tuấn tiết lộ với tớ. Là tao nói vung xí mẹt đấy, tao đã từng làm thêm ở quán nhậu, chỗ đó còn lao động hơn chỗ lao động này nhiều. Tao chỉ bả chế món ấy ra chủ yếu để anh em ta có cớ lấy thêm rau mà cháp chứ có cóc khô bí quyết mẹ gì đâu. Mẹ kiếp, đến rẻ như hài cốt mà mình cũng có đủ tiền. Mà cớ gì đến hài cốt, cả sắt thép kia mà nếu chui vào đến dạ dày tụi mình thì nó cũng mềm ấy chứ. Ha ha ha … ta chợt nhớ ra cái cảnh cả đám nhai rau rau ráu, rằng chúng ta đưa cay bằng rau nhiều hơn bằng thịt, nhất là từ lúc chuyển tông sang món trộn hài cốt. Lũ chúng ta ăn rau như một đám thỏ già láu lỉnh.
Tuấn chết sau một vụ tai nạn giao thông khi đã là phóng viên của báo Phú Yên và ngày mai là nó sẽ đi hỏi vợ. Ta nhớ bạn mình nhưng thành thật mà nói thơ của bạn ta chẳng nhớ được mấy câu mà chỉ nhớ đến những chuyện tào lao như thế này. Ta càng nhớ Tuấn khi lên lấy bằng tốt nghiệp, lúc ngồi ở quán nói chuyện tào lao với bà chủ, nghe Tuấn đã chết vì tai nạn, bà chủ quán chép miệng - Hồi đó tao biết tụi bay ăn rau trừ bữa chứ nhậu nhẹt cái gì. Rau thì rẻ, bay ăn thoải mái, lúc quán ế cũng đỡ buồn. Nhưng tụi mày ngồi lâu quá, những lúc có khách cũng sốt ruột lắm. Nhưng mấy ông làm vườn nói, bọn sinh viên nó tán dóc nghe cũng vui tai nên tao cũng không nỡ nhắc. Chẹp… bây giờ tụi mày làm đến chức quan gì rồi… Có nhớ đến những lúc cô khổ như trước không? Nghe bà ấy hỏi ta cười – Quan tước cái gì hở dì, tụi con cũng dễ thương như ngày xưa thôi.
Entry này là cho vui chắc không đến nỗi khiến Sứ quán Mỹ đánh công hàm sang than phiền với Bộ Ngoại giao đâu nhỉ. Nhưng mới nghe thì kể cũng oải. Ôi lẫu hài cốt Mỹ… Ôi ngày xưa… Ôi bạn ta…

Bài viết của bạn Phùng , chép ra các bạn đọc nhé . ( Khoa)

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

Người đàn ông lý tưởng


Xin hầu các bạn mẫu chuyện tiếu lâm truyền miệng mà mình được nghe ngày xưa.

Tại ngôi làng nọ, vào một trưa hè nọ, có anh chàng nọ đi dự đám giỗ ở một nhà nọ. (Hìhìhì, các bạn thấy văn phong của mình dữ tợn chưa)
Theo thông lệ, khi ra về, anh ta được chủ nhà gói ít quà bánh cho vợ con, những người không đi được.
Vì đường về cũng khá xa, lại phải cuốc bộ. Đi một lúc, anh ta bỗng thấy đói bụng. Liếc mắt nhìn gói quà, không dằn lòng được, cuộc đấu tranh giữa bao tử và lý trí bắt đầu. Tự nhũ rằng:
"Vợ mình là con người ta.
Nghĩ đi nghĩ lại, chẳng bà con chi"
và anh ta mở gói, "làm thịt" phần quà của vợ.
Đi một lúc, lại đói, lại đấu tranh:
"Con mình là vợ đẻ ra
Nghĩ đi nghĩ lại, cũng chẳng bà con chi."
Rồi phần quà của con cũng chung số phận với phần quà của vợ.
Hai phần quà ấy giúp anh ta đủ năng lượng rảo bước về nhà. Leo lên giường, quất một giấc đến chiều thức dậy là cũng vừa lúc anh ta thấy mâm cơm chiều do vợ con anh ta vừa dọn lên sau một ngày cực nhọc ngoài đồng dưới cái nắng chang chang của mùa hè.

Thật là một người cha, người chồng lý tưởng, đáng để cho các đấng mày râu chúng ta học hỏi, các bạn hỉ.

NLTK

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Ai kia ơi (TTH)

Em ơi, em chẳng đẹp đâu
Không tin, cứ lấy gương tàu mà soi
Ừ thì có thắm làn môi
Ừ thì hai lúm má cười, đã sao?
Thông minh, trán tất nhiên cao
Ðã là con gái mắt nào chẳng xanh?
Kể chi suối tóc mát lành
Cứ lười không cắt, tóc anh cũng dài
Bảo em son phấn là sai
Nhưng trời nắng đẹp, má ai chả hồng!
Chưa già tất phải trẻ trung
Chị anh, hồi sắp lấy chồng ....chả thua!
Sao lại cười? Rõ lạ chưa ?
Hay là em ngỡ anh đùa trêu nhau!
Thật đấy mà, chả đẹp đâu!


(sưu tầm)

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Lý giải về đàn ông


Thư giản một chút ngày cuối tuần, chúc các bạn và gia đình vui vẻ nhé!
 
1. Người đàn ông không mặc gì nằm úp xuống nền đất thì gọi là gì? "Đất lành chim đậu".
2. Người đàn ông không mặc gì nằm úp xuống 1 hòn đá? "trứng chọi đá".
3. 2 người đàn ông không mặc gì cõng nhau? "Gậy ông đập lưng ông".
4. Người đàn ông không mặc gì nhảy xuống bể cá cảnh? "Chim sa cá lặn".
5. Người đàn ông không mặc gì ngồi sau xe đạp? "Chọc gậy bánh xe".
6. Người đàn ông không mặc gì nằm đắp chăn bông ngủ? "CHIM CHÍCH BÔNG".

huongvv  ( các bạn hãy bổ sung những gì về đàn ông ....)

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Chuyện Adam


Đang bận tối mắt nghiên cứu thị trường vàng lên bất động sản xuống, thì nàng gọi về có việc gấp. Mình cuống cuồng còn tưởng cháy nhà, ai dè tự nhiên nàng dở chứng đòi “đổi gió”. Hết chỗ nói. 

   Chả hiểu nàng uống nhầm thuốc gì mà tự nhiên đòi hâm nóng tình yêu giữa trưa hè nóng chảy mỡ, tay vuốt mồ hôi còn chả kịp nữa là. Mình còn chưa hết lộn ruột vì mất công hùng hục phóng xe vượt cả chục cây số từ cơ quan về nhà vừa đi vừa lo ngay ngáy, lại còn phải nhìn cái bộ dạng nàng nhàu nhĩ trong chiếc váy ngủ xưa như cổ tích đã sờn gáy rách vai. Đã vậy còn ỏn ẻn đánh mắt đưa tình. Thất kinh.

  Nghe mấy bà chị tuổi xế chiều cùng cơ quan kháo nhau, đàn bà qua tuổi tứ tuần thế nào cũng đến lúc hồi xuân. Nghĩ thấy lạ, vợ mình mới đầu ba đít chơi vơi còn trẻ chán, xuân đã qua đâu mà phải hồi.Chắc lại nghe mấy bà nạ dòng xúi dại đây.

  Có hôm đi làm về, mình còn tưởng vào nhầm nhà. Nhìn dáo nhìn dác chả thấy con đâu, chỉ thấy một “đồng cô” mặc đồ đỏ choét giữa phòng khách nghi ngút hương hoa nến sáp. Phát hoảng. Cứ ngỡ đang gặp ác mộng, may có đĩa thịt chó làm mình tỉnh giấc. Định thần mãi mới nhận ra khuôn mặt quen thuộc của vợ dấu sau lớp phấn son rẻ tiền với chiếc váy của mấy mùa mốt trước. Hỏi mới biết nàng gửi con nhà ông bà ngoại để “rểnh rang chuyện vợ chồng”, có gớm không. Không hiểu ai hiến kế cho nàng mà từ một mẹ mìn suốt ngày chúi mũi vào bếp, chổng mông ra phòng khách, giờ lại thẽ thọt muốn làm tình nhân.


  Hôm qua, mình mang chuyện lạ này ra “tâm hự” với thằng bạn bị vợ bỏ. Nó lạnh lùng phang cho mình một cú trời giáng: “vợ mày sắp có bồ”. Sao thế được chứ. Xưa ở quê, vợ tao chính chuyên nổi tiếng khắp làng, ra thành phố cònđược mấy bà hàng thịt hàng cá ở chợ cóc khen đứt lưỡi, bồ là bồ thế nào. Thằng bạn tửng từng tưng: “Mày cứ thờ ơ như thế nó không có bồ mới lạ”.

  Mình chột dạ, có lẽ thế thật. Dễ đến mấy năm nay đôi ta tuy gần nhau gang tấc mà biển trời cách mặt. Mình thì mải mê nghiên cứu thị trường vàng nhằm phục thù vụ vỡ nợ chứng khoán, còn nàng thì tối mặt tối mũi vào hai đứa con sòn sòn năm một. Thời gian đâu mà yêu với đương. Mình mà không kịp ra tay ngay hôm nay, có nước nàng đi theo mấy con “gà trống vàng” thì chết dở. 

  Mình vội vàng với điện thoại nhắn tin hẹn hò nàng ở nhà nghỉ năm xưa nơi hai đứa trốn phụ huynh đi ăn vụng. Nhắn xong thấy hân hoan lạ, nàng của mình còn xuân lắm chứ chả vừa.

Sưu tầm